Trang

Phong Thu Ha Noi - Mstudio

Ca sỹ chuyên nghiệp


Yêu âm nhạc


Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

Reverb 101: Room Mode – Dạng không gian và cảm xúc người nghe (P2)

Reverb 101: Room Mode – Dạng không gian và cảm xúc người nghe (P2)

Qua phần 1 của loạt bài cơ bản về Reverb, chúng ta đã biết vai trò cốt lõi nhất của Reverb trong mixing là gắn kết các nhạc cụ, đưa chúng vào một không gian thống nhất.
Câu hỏi mới đặt ra: “Làm sao để chọn không gian phù hợp với bản nhạc (hoặc âm thanh)”?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta không phải chỉ cần biết mỗi các thông tin về kỹ thuật xoay quanh Reverb mà phải có tầm nhìn sáng tạo rõ ràng: Chúng ta muốn mang lại cho người nghe cảm giác gì? Muốn họ hình dung ra không gian nào?
Gần, xa, hẹp, rộng, tự nhiên, hư ảo…
Không gian tác động lên cảm giác, cảm xúc của người nghe. Hiểu được các chế độ làm việc của Reverb, bạn sẽ ra quyết định sáng suốt hơn để chọn lựa không gian phù hợp của bản nhạc (hoặc một âm thanh cụ thể) nhằm tác động một cách có chủ đích vào cảm xúc của họ.

Các chế độ Reverb (Room Mode)

Khi mở bất kỳ một plugin Reverb nào và duyệt qua phần Presets, bạn sẽ thấy các chế độ làm việc phổ biến của Reverb như Room, Hall, Chamber, Plate, Spring hoặc Impulse Response (gọi tắt là IR). Trong đó, 2 chế độ cuối là Spring và Impulse Response ít thấy hơn.
ArtsAcoustic Reverb - Room Modes
ArtsAcoustic Reverb – Room Modes
Tại sao họ lại phân ra như vậy? Vì mỗi không gian có một đặc tính âm học khác nhau. Cảm giác khi chơi guitar thùng  trong phòng ngủ và khi mang chính cây đàn đó chơi tại trung tâm rạp hát hoàn toàn không “liên quan”.
Các loại không gian với các đặc tính âm học riêng biệt được chia thành từng nhóm gọi là Room Mode. 1 Room Mode tương ứng với một dạng không gian đặc trưng mà bạn đặt bản mix của mình vào.
Bạn muốn bản mix nghe như được chơi trong rạp hát? Hãy chọn Hall.
Bạn muốn bản mix nghe như được chơi trong phòng khách hoặc Studio? Hãy chọn Room.
Dễ hiểu phải không?
Lưu ý của MIX: Có một số plugin Reverb miễn phí (Ví dụ: Freeverb 2) không cho phép bạn chọn các preset chế độ làm việc như trên mà chỉ thuần là các tham số “khó hiểu”. Yên tâm, bạn sẽ thấy chúng dễ hiểu ngay sau khi đọc bài viết này.
Tôi sẽ sử dụng một đoạn Drums với hiệu ứng Reverb qua từng Room Mode một để làm ví dụ minh họa.
Hãy nghe đoạn Drums khi chưa có Reverb (thường gọi là Dry Sound – gọi tắt là Dry):
00:00
00:00

Trên thực tế, khi mix nhạc, chúng ta sẽ không chèn Reverb vào toàn bộ Drums Kit như các ví dụ dưới đây mà chỉ chèn vào một hoặc một vài yếu tố như (Snare, Toms, Overhead…). Tuy nhiên, để giúp các bạn hình dung rõ hơn, tôi chèn thẳng Reverb vào toàn bộ Drums Kit và để âm lượng của Reverb tương đối to.
Các file Audio minh họa tiếp theo sẽ chia ra 2 phần: nửa đầu là âm thanh khi chưa có Reverb và nửa sau có Reverb.

Rooms Reverb – Căn phòng thông thường

Cái tên nói lên tất cả. Chế độ Room tái hiện lại không gian của các căn phòng nhỏ với trần nhà tương đối thấp. Không gian này có thể là phòng khách, phòng ngủ, phòng thu âm hay thậm chí… phòng tắm.
Room Reverb - Hát trong phòng tắm nghe sướng hơn phòng khách nhiều, phải không?
Room Reverb – Hát trong phòng tắm nghe sướng hơn phòng khách nhiều, phải không?
Âm thanh của các không gian đó không được rộng lớn như khán phòng nhà hát. Tuy nhiên, nếu bạn muốn thêm một chút không gian và độ sâu cho nhạc cụ, Room là thứ bạn nên nghĩ tới đầu tiên.
Chế độ này đặc biệt phù hợp với các bản nhạc độc tấu cổ điển hoặc thứ âm nhạc ít mộc mạc, gần gũi. Ví dụ: album Water Fall của Sara K.
Trong ví dụ dưới đây, tôi sử dụng âm thanh của 1 căn phòng cỡ vừa với Reverb Time khoảng 0,5s.
00:00
00:00

Halls Reverb – Khán phòng/Hội trường

Đây là chế độ Reverb cho không gian rộng lớn nhất và đồng thời cũng bị lạm dụng (một cách thiếu hiểu biết) nhiều nhất bởi những người mới học mix nhạc.
Hall Reverb - Nhìn đã thấy lớn và ấm rồi!
Hall Reverb – Nhìn đã thấy lớn và ấm rồi!
Xin hãy nhớ, chế độ Hall giúp nhạc cụ nghe như được chơi ở một không gian lớn chứ không đồng nghĩa với việc làm nhạc cụ nghe “bao la”, “lớn” hơn.
So với Room, Hall tái tạo lại nhiều âm thanh phản xạ hơn do đó làm âm thanh tổng thể nghe có vẻ sâu hơn, ngọt ngào hơn. Nếu dùng không cẩn thận, đây chính là chế độ “thủ tiêu” bản mix của bạn nhanh nhất!
Trong ví dụ dưới đây, tôi sử dụng âm thanh của 1 hội trường cỡ vừa với Reverb Time khoảng 2,0s
00:00
00:00

Lời khuyên của MIX: Hãy thận trọng với các preset thuộc chế độ Hall. Có nhiều cách để khiến giọng hát nghe sâu hơn, dày hơn mà không cần tới hàng đống Reverb đục ngầu. Suốt mấy năm trời, tôi chỉ sử dụng chế độ Hall (Reverb Time luôn được tôi cắt đi kha khá so với preset) cho duy nhất 1 album: Original Soundtrack của Game 7554.

Chamber Reverb

Đây là loại Reverb thực được phát minh đầu tiên vào năm 1947 bởi Bill Putnam (người sáng lập Universal Audio) và sử dụng trong album “Peg o’ My Heart” của The Harmonicats.
Đặt một chiếc loa để phát nguồn âm thanh vào một căn phòng với các tấm phản âm. Đặt tiếp 1 microphone trong cùng căn phòng để thu lại âm thanh phản xạ kèm theo âm thanh gốc. Thế là bạn đã có Reverb Chamber.
Chamber Reverb - Thiết bị Reverb đầu tiên trên thế giới
Chamber Reverb – Thiết bị Reverb đầu tiên trên thế giới
Phát minh nghe có vẻ thô sơ này lại tỏ ra cực kỳ hữu dụng vì nó có thể giúp bạn tái tạo một không gian lớn nhưng lại ít có âm thanh phản xạ ban đầu (có người gọi là Phản dội đầu)!
Điều này nghĩa là sao? Chế độ Chamber vừa giúp nhạc cụ nghe sâu hơn, như ở trong một không gian rộng lớn mà lại ít âm phản xạ ban đầu vốn dễ làm đục và “nhuộm màu” bản mix hơn. Quá tuyệt!
Trong ví dụ dưới đây, tôi sử dụng Chamber Reverb cỡ vừa với Reverb Time khoảng 1,7s. Bạn có thể thấy không gian được tạo ra bởi Chamber hơi giống chế độ Room nhưng lại không có âm phản xạ ngắn phía sau tiếng nhạc cụ (để ý tiếng Snare).
00:00
00:00

Plate Reverb

Năm 1957, Elektro-Mess-Technik (EMT) – một công ty của Đức – đã phát minh ra EMT 140 – thiết bị cho âm thanh Plate Reverb đầu tiên trên thế giới. Ngày nay, chúng ta có thể sử dụng bản giả lập chất lượng cao của thiết bị này bằng plugin EMT 140 của hãng Universal Audio chạy trên card hiệu ứng UAD mà không cần tốn vài nghìn USD để mua thiết bị phần cứng gốc.
Plate Reverb - Sự lai tạo giữa cơ khí và âm nhạc cho ra thứ Reverb tuyệt vời!
Plate Reverb – Sự lai tạo giữa cơ khí và âm nhạc cho ra thứ Reverb tuyệt vời!
Đây là loại Reverb cơ khí (mechanical reverb) được tạo ra không nhằm mục đích tái hiện lại bất cứ một không gian cụ thể nào. Nói một cách đơn giản, Plate Reverb được tạo ra bởi các tấm kim loại lớn tích điện rung động theo âm thanh/âm nhạc phát từ 1 máy biến năng (transducer có bản chất là loa) cài thẳng vào tâm của chúng. Một hoặc nhiều Pickup được gắn lên đó (thường là vào mép) sẽ thu lại rung động tạo ra từ các tấm kim loại này.
Kết quả chúng ta thu được gì? Một thứ âm thanh dày, ấm giống Reverb trong một căn phòng tự nhiên nhưng lại có chất âm rất độc đáo. Điều này có được là nhờ kim loại rung động rất nhanh, bởi vậy, Plate Reverb tạo ra rất nhiều Early Reflection (âm thanh phản xạ ban đầu) và dày hơn so với các loại Reverb tự nhiên.
Mẹo của MIX: Chính vì đặc tính âm học tuyệt vời đó, Plate Reverb nên dùng với Drums (đặc biệt là Snare) và Guitar vì làm dày âm thanh, tạo ra độ sâu nhưng lại không bị đục bản mix do không cần Reverb Time dài như Halls Reverb.
Hãy xem ví dụ minh họa với Plate Reverb cỡ vừa với Reverb Time khoảng 0,4s.
00:00
00:00

Spring Reverb

Được phát minh vào những năm 50 và thịnh hành vào những năm 60, cơ chế hoạt động của Spring Reverb tương tự Plate Reverb nhưng thay các tấm kim loại tích điện bằng… lò xo. Lý do rất đơn giản: Lò xo chiếm ít không gian hơn các tấm kim loại!
Spring Reverb - Đơn giản, gọn nhẹ, hiệu quả về chi phí
Spring Reverb – Đơn giản, gọn nhẹ, hiệu quả về chi phí
Vì thế, Spring Reverb rất phổ biến trong các âm ly guitar. Các âm ly guitar của Fender và các organ Hammond thời kỳ đầu đều tích hợp sẵn Spring Reverb. Thậm chí, Spring Reverb vẫn có thể tìm thấy rất nhiều trong các âm ly guitar cấp trung trở xuống ngày nay.
Spring Reverb cho âm thanh đặc trưng nghe ong ong, có chất kim khí như khi nhún và thả tay nhanh khỏi 1 chiếc lò xo.
Dù gắn nhiều với guitar như vậy, nhưng các bạn đừng ngại ứng dụng trong bản mix kèm theo các loại Reverb khác.
Mẹo của MIX: Để giả lập Reverb trong một đường hầm dài và hẹp, Spring Reverb là lựa chọn rất thú vị. Không tin, các bạn có thể kiếm một đường hầm như vậy (thậm chí đường hầm cho người đi bộ ở Hà Nội lúc vắng người, yên tĩnh) và búng tay “toách” 1 phát xem sao.
Ví dụ dưới đây sử dụng Spring Reverb với Reverb Time khoảng 1,3s.
00:00
00:00

Impulse Response (thường viết tắt là IR)

Bê nguyên một không gian, căn phòng thực tế, thậm chí là tính chất âm thanh của một thiết bị nào đó vào bản mix của bạn. Đó là lời mô tả đơn giản nhất về Impulse Response.
Với Impulse Response, bạn có thể "bê" nguyên rạp hát Opera Sydney vào bản mix
Với Impulse Response, bạn có thể “bê” nguyên rạp hát Opera Sydney vào bản mix
Với Impulse Response ứng dụng trong Reverb, bạn có thể tái hiện một cách vô cùng trung thực một không gian cụ thể nào đó từ không gian gian trong… mồm của bạn, phòng tắm nhà bạn tới các khán phòng hòa nhạc nổi tiếng nhất thế giới như Sydney Opera House chỉ sau 1 cú click.
Thậm chí, chất âm của một thiết bị Equalizer vài nghìn USD cũng được tái hiện chính xác trên máy tính của bạn bằng Impulse Response.
Để giải thích cặn kẽ về Impulse Response, tôi cần một bài viết dài hơn. Trong phạm vi giới thiệu về Reverb, các bạn chỉ cần hiểu như trên là được.
Để sử dụng Impulse Response làm Reverb (thường lưu dưới dạng file .IR hoặc .WAV), bạn cần một Reverb hỗ trợ Impulse Response (thường gọi là Convolution Reverb). Logic Space Designer, Freeverb3 (miễn phí), Waves IR1…
Nhược điểm lớn nhất của việc sử dụng Impule Response là ngốn CPU. Vì vậy, nếu cấu hình máy không đủ mạnh, bạn sẽ khó lòng chạy cùng một lúc nhiều plugin Reverb sử dụng Impulse Response.
Trong ví dụ dưới đây, tôi chạy đoạn Drums qua Waves IR1 với preset Hall Impulse Response, Reverb Time là 1,85s. Bạn có thể thấy âm thanh nghe rất ấm và tự nhiên.
00:00
00:00

Hết chưa?

Chưa.
Bạn hiểu được các chế độ làm việc của Reverb và đặc tính âm học của các không gian tương ứng. Thế nhưng, để làm cho không gian đó thực sự phù hợp với bản nhạc, bạn cần “can thiệp”, chỉnh sửa và tút lại nó nhiều.
Hẹn các bạn ở phần 3 – Thiết kế Không gian. Yên tâm, dù có nặng kỹ thuật đến mấy, MIX cũng sẽ luôn giữ giọng văn gần gũi, dễ hiểu. ;)

Series Reverb 101:

theo tapchimix.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Quảng cáo Google

phong thu ha noi