Trang

Phong Thu Ha Noi - Mstudio

Ca sỹ chuyên nghiệp


Yêu âm nhạc


Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

Dynamics 101: Compression & Gating cơ bản – Khó nhưng không được nản!

Dynamics 101: Compression & Gating cơ bản – Khó nhưng không được nản!

Sau EQ, nếu thiếu hiệu ứng này mà bắt buộc phải mix nhạc, tôi sẽ tự vẫn.
Audio Compression (nén âm thanh) là hiệu ứng cực kỳ hữu dụng và ngày càng trở nên quan trọng hơn trong quy trình sản xuất âm nhạc hiện đại.
Hiểu đơn sơ, Compression chuyên xử lý những thứ liên quan tới cường độ tín hiệu âm thanh. Hiểu sâu hơn, hãy đọc kỹ bài viết này! Nếu chưa hiểu, hãy đọc lại 1 lần nữa!

Chào mừng bạn đến với thế giới của thiết bị khó hiểu nhất, khó nghe ra nhất nhưng lại linh động nhất, có khả năng “lấn sân” nhiều công cụ khác nhất, vô cùng quan trọng và cũng vô cùng… khó dùng.
Dọa tí cho vui thôi. Nhưng đừng vội mừng, bạn sẽ thấy mồ hôi rớt ra ngay ý mà!

Dynamics – Linh hồn của âm nhạc

Hiệu ứng Compression xử lý động năng (Dynamics) của tín hiệu âm thanh. Nghe khù khoằm thật! Nhưng để hiểu về Compression, rõ ràng bạn phải hiểu Dynamics là gì rồi.
Nếu bạn nghe 1 giàn nhạc giao hưởng chơi, bạn sẽ thấy lúc thì họ đánh bé xíu, lúc thì to, lúc thì vừa phải. Sự biến động về âm lượng của tín hiệu audio theo thời gian đó chính là Dynamics.
Dynamics có thể phân tích ở nhiều cấp độ. Từ sự biến động âm lượng của 1 âm thanh đơn lẻ hay của 1 nhạc cụ trong 1 bài hát tới biến động về âm lượng của cả 1 bài hát.
Các phần mềm thu âm biểu diễn tín hiệu âm thanh dưới dạng Waveform (dạng hình học của sóng âm). Bạn hãy nhìn và nghe ví dụ 1 nốt nhạc chơi bằng guitar dưới đây:
Ban đầu, tiếng guitar rất to, sau đó nhỏ dần trong quá trình ngân. Năng lượng sóng âm của âm thanh này được biểu đạt chính xác bằng Waveform như trong hình. Waveform càng to thì cường độ/năng lượng âm thanh càng lớn. Ví dụ này chính là Dynamics tại cấp độ nhỏ nhất: âm thanh đơn lẻ.
Với cấp độ thứ 2 là Dynamic của 1 nhạc cụ trong bài hát, tôi có ví dụ khác. Khi bạn gõ trống, bạn càng đều tay thì âm lượng của mỗi nhát gõ càng ổn định, Dynamics càng thấp. Ngược lại, bạn gõ lúc nhẹ lúc mạnh, âm lượng các nhát gõ khác nhau rõ rệt hơn, Dynamics cao hơn.
Hình dưới đây minh họa cho ví dụ gõ dùi trống ở trên:
Dynamics trong lối chơi phản ánh trên waveform
Dynamics trong lối chơi phản ánh trên waveform
Bạn có thể vừa nghe vừa nhìn với 2 soundcloud clip dưới đây.
Đánh đều:
Đánh không đều:
Bạn có thể thấy rõ ở track màu vàng, người chơi gõ rất đều tay. Sự biến thiên về âm lượng của các nhát gõ rất ít (để ý đường kẻ màu đen nối các đỉnh waveform) nên độ biến thiên waveform của cả đoạn cũng rất ít.
Ngược lại, với track màu xanh, người chơi gõ linh hoạt hơn, nhát mạnh nhát nhẹ nên waveform biến đổi rất nhiều. Đường kẻ đo cường độ âm thanh cũng lên xuống nhiều hơn.
Tương tự như vậy, ở cấp độ bài hát, Dynamic có thể hiểu là sự biến động về âm lượng do sắc thái chơi mạnh nhẹ, trầm bổng khác nhau tại các đoạn khác nhau. Với nhạc giao hưởng, chúng ta thấy điều này rõ ràng hơn các thể loại nhạc hiện đại như Rock, Metal, Dance.
Ví dụ sau là Waveform của 1 soundtrack (dàn nhạc giao hưởng thể hiện) và 1 ca khúc Death Metal:
Dynamics của nhạc giao hưởng và Death Metal
Dynamics của nhạc giao hưởng và Death Metal
Tại sao Dynamics lại liên quan tới linh hồn của âm nhạc? Nghe to tát thì khó hiểu, nhưng hãy nhớ lại 1 vài bài giảng của các thầy cô bạn học từ thời học sinh. Thầy cô nào giảng bài với giọng nói trầm bổng, lúc to lúc nhỏ luôn khiến bạn chú ý hơn, cảm thấy thú vị hơn các thầy cô với giọng giảng đều đều như đọc kinh. Âm nhạc cũng vậy, bạn sẽ cảm thấy như bị tra tấn khi nghe một người chơi Piano đánh từ đầu tới cuối nốt nào cũng mạnh như nhau.
Bạn đã hiểu rõ Dynamics chưa? Nếu chưa, đọc lại 1 lần nữa.

Compression là gì?

Bạn thật kiên nhẫn khi đọc tới dòng này sau mớ lý thuyết nhàm chán ở phía trên! Hãy cố gắng đọc hết bài viết này, nếu không bạn sẽ không thể hiểu nổi bản chất của công cụ quan trọng này trong quy trình sản xuất âm nhạc chuyên nghiệp!
Về bản chất, Compression (nén) giúp kiểm soát Dynamics của tín hiệu âm thanh.
Mục đích của Compression là giảm bớt biên độ biến đổi về cường độ âm thanh (tức là Dynamics). Nó thu hẹp sự khác biệt về độ lớn âm lượng giữa tín hiệu âm thanh bé nhất và tín hiệu âm thanh lớn nhất. Kết quả thu được là một âm thanh có âm lượng ổn định hơn, ít biến động hơn.
Khi thu âm cho một ca sĩ, compression giúp giảm bớt âm lượng lúc ca sĩ hát to và làm tăng âm lượng khi ca sĩ hát nhỏ. Vì thế, chúng ta có cảm giác âm lượng giọng hát không biến đổi quá nhiều lúc ca sĩ gào rú và lúc hát du dương. Đủ dễ hiểu chưa?
Nếu chưa đủ để hiểu, hãy xem và nghe ví dụ sau (waveform đầu tiên là âm thanh gốc, waveform thứ 2 là âm thanh bị Compress):
Âm thanh gốc Vs. Âm thanh bị compress
Âm thanh gốc Vs. Âm thanh bị compress
Vừa nghe vừa nhìn cho máu:
Bạn có thể thấy rõ sự biến đổi trong Waveform giữa âm thanh gốc và âm thanh bị compress (nén). Khoảng cách về âm lượng giữa phần đầu và phần thân của âm thanh bị nén thấp hơn so với âm thanh gốc. Hay nói cách khác, biên độ biến đổi Dynamic đã bị thu hẹp.

Compressor/Limiter/Gate

Việc xử lý Dynamic được thực hiện bởi 3 thiết bị chính là Compressor, Limiter và Gate. Cả 3 thiết bị (phần cứng, phần mềm) này đều tác động lên Dynamic của âm thanh một cách tự động.
Tuy nhiên, chúng ta cần giúp các thiết bị đó nhận ra dấu hiệu để bắt đầu làm việc. Khi âm lượng của tín hiệu âm thanh vượt qua 1 mức độ nào đó, chúng sẽ bắt đầu tự động “ra tay” can thiệp vào âm thanh.
Điểm khác biệt là gì?
Compressor giảm bớt cường độ khi tín hiệu âm thanh vượt qua ngưỡng mà chúng ta quy định nhưng vẫn cho phép vượt quá 1 chút. Limiter thì không cho phép điều đó xảy ra hoặc chỉ cho vượt quá 1 tí không đáng kể!
Gate thì lại hoạt động hơi khác 2 thiết bị trên. Khi cường độ âm thanh cao hơn mức bạn quy định, nó sẽ… không hoạt động. Ngược lại, khi cường độ âm thanh nhỏ hơn ngưỡng quy định, đúng với tên gọi:  Cái cổng (gate). Nó bắt đầu hoạt động và ngăn không cho âm thanh đi qua. Tùy bạn thiết lập, có thể nó cắt bỏ đi hoàn toàn phần âm thanh có cường độ nhỏ hơn mức quy định hoặc nó chỉ giảm dần tới khi im lặng để nghe được tự nhiên hơn.
Hãy xem và nghe 3 ví dụ sau với thứ tự: 1 Compressor, 2 Limiter và 3 Gate.
Compressor Vs. Limiter Vs. Gate
Compressor Vs. Limiter Vs. Gate
Audio minh họa:
Nhìn hình và waveform ở trên, bạn có thể thấy rõ Limiter “gọt” dynamic của âm thanh “ngọt” như thế nào. Đường kẻ màu đen gần đỉnh các Waveform là ngưỡng cường độ âm thanh chúng ta quy định để giúp 3 thiết bị này biết đó là lúc cần hoạt động. Compressor “khoan dung” hơn Limiter, cho waveform vượt quá ngưỡng 1 chút. Còn Gate thì ngay khi thấy có “cơ hội”, “hắn” từ từ giảm cường độ âm thanh cho tới khi im hẳn. Kết quả là âm thanh ngân không lâu bằng khi sử dụng Compressor và Limiter.

Bạn đã nhận thấy tầm quan trọng của Dynamics và Compression?

Bên cạnh EQ, việc sử dụng Compression là yếu tố vô cùng quan trọng giúp phân định đẳng cấp của bản mix amateur, bản mix bán chuyên và bản mix chuyên nghiệp một cách rạch ròi. Phong cách sử dụng Compression cũng là một yếu tố để phân biệt sản phẩm của các kỹ sư âm thanh có cùng đẳng cấp.
Bạn đừng nhầm lẫn giữa amateur và sản xuất âm nhạc tại gia (home recording)! 1 bên là mức chất lượng sản phẩm và 1 bên là môi trường làm việc.
Có rất nhiều người giỏi tay nghề với đôi tai nhạy bén cho ra những sản phẩm rất chuyên nghiệp chỉ với các trang thiết bị sản xuất âm nhạc nhỏ gọn, đơn giản trong… phòng ngủ của mình.
Nói đúng ra, bất cứ công cụ nào cũng là con dao 2 lưỡi nếu không biết cách dùng. Điểm khác biệt là “con dao” nào sẽ làm bạn đau hơn mà thôi. Tôi có thể nói, nếu bạn không hiểu bản chất và không biết cách dùng, Compression sẽ là con dao cứa bạn đau hơn cả.
Và Dynamics là cái hồn của âm nhạc, sử dụng Compression quá tay sẽ tước đi phần quan trọng đó. Những gì còn lại chỉ là một mớ âm thanh thiếu sức sống, khô khan.
Nếu các bạn chưa hiểu rõ bất cứ phần nào trong bài này, hãy đọc lại 1 lần nữa. Vẫn chưa hiểu? Đọc tiếp 1 lần nữa. Vẫn chưa hiểu nốt? Hãy hỏi trực tiếp chúng tôi tại đây. ;)

theo tapchimix.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Quảng cáo Google

phong thu ha noi