Trang

Phong Thu Ha Noi - Mstudio

Ca sỹ chuyên nghiệp


Yêu âm nhạc


Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

Compressor cơ bản dành cho người “chậm hiểu”



Compressor cơ bản dành cho người “chậm hiểu”


Nếu ghé qua bất cứ diễn đàn nào về pro-audio, bạn sẽ dễ dàng gặp những “thớt” thảo luận rất sôi nổi và cũng rất… mù mờ về hiệu ứng Compression, thiết bị Compressor.
Hẳn là nó rất hữu ích? Đúng.
Hẳn là nó rất trừu tượng? Cũng đúng, nhưng chỉ khi bạn chưa đọc bài viết này.

Compression là hiệu ứng âm thanh giúp giảm bớt sự biến động về âm lượng của tín hiệu âm thanh. Thiết bị chính xử lý hiệu ứng này là Compressor và Limiter.
Trong phạm vi bài viết, tôi sẽ chỉ nói tới Compressor. Vì một khi hiểu được cơ chế làm việc của Compressor, bạn sẽ cảm thấy Limiter không còn gì bí ẩn nữa.
Đây là lần đầu bạn nghe về Compression, Audio Dynamics? Đọc ngay bài viết Dynamics 101: Audio Compression & Gating cơ bản của MIX trước.

Tại sao tôi lại phải dùng Compressor?

Tôi KHÔNG kể hết được vì đây là thiết bị có cách sử dụng linh hoạt nhất. Ứng dụng của nó CHỈ bị giới hạn bởi… khả năng sáng tạo và tay nghề của bạn mà thôi! True Story.
Dưới đây là 1 số lý do phổ biến.
Về cơ bản, Compressor xử lý hiệu ứng Compression. Nó giảm sự khác biệt về âm lượng giữa các âm thanh “to mồm” nhất và các âm thanh nhỏ nhất. Nhờ đó, âm lượng trung bình được đẩy cao hơn khiến bản mix nghe “có vẻ” to hơn, hiện đại hơn, bóng bẩy hơn.
Ngoài ra, nếu sử dụng Compressor một cách hợp lý, bạn có thể khiến bản mix hoặc nhạc cụ nghe tự nhiên, có sức sống hơn.
Thậm chí, bạn có thể “nhuộm màu” (thay đổi chất âm) cho bản mix hoặc nhạc cụ một cách nhẹ nhàng mà không sợ bị méo âm thanh bởi đa số các Compressor đều có chất âm rất đặc trưng. Chúng sẽ “bơm” vào tín hiệu âm thanh đi qua mình “dấu ấn” đó với mức độ khác nhau, phụ thuộc vào việc bạn bắt Compressor tác động vào âm thanh nhiều hay ít.
Hết chưa?
Chưa. Còn rất rất nhiều cách ứng dụng khác nhau tùy thuộc vào nguồn âm thanh, nhạc cụ, yêu cầu sáng tạo của bản nhạc…
Cách sử dụng, lựa chọn compressor được coi là tuyệt chiêu của các kỹ sư âm thanh chuyên nghiệp. Tất nhiên, họ giấu như… mèo giấu $*&CS(@ và chỉ chia sẻ những kỹ thuật, thiết lập cơ bản nhất mà thôi. Thật may, điều đó không tồn tại ở Tạp chí MIX!
Tôi không kỳ vọng bạn sẽ được như họ ngay sau khi đọc bài viết này. Nhưng ít nhất, chúng ta phải hiểu rõ cách thức vận hành của Compressor để bắt đầu luyện tập, làm chủ, khai thác và bóc lột nó 1 cách tàn nhẫn nhất có thể!

Thông số điều khiển Compressor

Khi mới nhìn vào giao diện của 1 Compressor thông thường, bạn rất có thể sẽ “sốc” hoặc phát điên vì… không hiểu gì hết! Những thông số quan trọng nhất của Compressor đa phần lại hoàn toàn không thể ngay lập tức luận ra nhanh bằng cách tra từ điển.
Sonalksis SV-315 MK2 Compressor
Hãy thử tra từ điển những thuật ngữ này! Bạn sẽ hoang mang ngay lập tức!
Tùy vào từng Compressor, số lượng thông số được phép điều chỉnh có thể nhiều hoặc ít hơn danh sách dưới đây. Đừng lo, làm chủ được hết đống này bạn sẽ không phải lúng túng như gà mắc tóc trước bất cứ con compressor nào!

Threshold

Tôi đã nói với bạn Compressor là thiết bị điều khiển âm lượng một cách tự động chưa? Nếu chưa thì hãy nhớ giúp tôi nhé!
Compressor tự động phân tích tín hiệu âm thanh, nếu tín hiệu đó thỏa mãn tiêu chí bạn đặt ra, nó sẽ tự động tác động lên âm thanh. Threshold chính là tiêu chí đó!
Threshold có vai trò như hoa tiêu chỉ điểm báo cho Compressor biết khi nào được phép bắt đầu hoạt động. Nó quy định 1 mức cường độ âm thanh cụ thể nào đó (ví dụ: -23dB), nếu cường độ âm thanh vượt quá ngưỡng đó, Compressor sẽ “nhào vô làm thịt” ngay và giảm cường độ xuống. Nếu cường độ âm thanh thấp hơn ngưỡng đó, Compressor sẽ tha chết, cho qua!
Hãy tưởng tượng, bạn đã bao giờ nói với ai: “Mày mà bước chân ra khỏi cửa, tao sẽ cho mày biết tay!” Vậy, bạn chính là Compressor. Vạch phân định giữa cửa ra vào và bên ngoài chính là ngưỡng báo hiệu cho ai đó nếu vượt qua là bị bạn làm thịt. Vạch đó là Threshold.
Tại sao tôi lại phải lắm mồm giải thích về Threshold như vậy? Vì đó là 1 trong 2 thông số quan trọng nhất của Compressor. Sự quan trọng này được minh chứng bởi các Compressor tối giản chức năng với chỉ 2 điều khiển duy nhất. Threshold luôn là 1 trong 2!
Compressor LA-2A với 2 nút điều khiển chính bao gồm Gain và Threshold
Compressor LA-2A với 2 nút điều khiển chính bao gồm Gain và Threshold (ghi là Peak Reduction)
Nói 1 cách khác, thông số quyết định Compressor có làm việc hay không mà không phải cái quan trọng nhất thì là cái gì?

Compression Ratio

Compressrion Ratio (tỉ lệ nén) chính là thông số quan trọng thứ 2. Ratio quy định mức độ can thiệp của Compressor lên cường độ tín hiệu âm thanh nếu cường độ tín hiệu vượt quá Threshold.
Hãy nhớ, Compressor chỉ làm việc với phần âm thanh vượt quá Threshold mà thôi! Giả sử vượt quá Threshold 8dB, nó sẽ chỉ xử lý trong phạm vi 8dB bị trội lên!
Ratio càng cao thì Compressor càng giảm mạnh cường độ tín hiệu âm thanh.
Đây là một thông số hay gây hiểu nhầm cho người mới bắt đầu. Hãy nhớ Ratio là tỷ lệ, không phải là một con số cố định nhằm ám chỉ số dB bị giảm đi bởi Compressor đâu nhé! ;)
Ratio của Compressor thường được biểu diễn dưới dạng n:1 (ví dụ: 1:1, 2:1, 4:1, 5:1).
Giả sử Ratio là 4:1, khi tín hiệu vượt quá threshold 4dB, Compressor sẽ giảm cường độ tín hiệu âm thanh để nó chỉ vượt quá threshold 1/4 của 4dB, tức là 1dB. Tương tự, nếu tín hiệu vượt quá threshold 8dB, Compressor sẽ giảm cường độ để tín hiệu chỉ vượt quá threshold 1/4 của 8dB, tức là 2dB.
Hãy làm phép tính đơn giản, số dB mà Compressor cho phép cường độ tín hiệu âm thanh vượt ngưỡng Threshold = 1/n.
Ratio 1:1 là tỉ lệ khá đặc biệt vì khi đó Compressor sẽ… không làm gì cả, để im cho tín hiệu đi qua.
Ratio 1:1 - Compressor "tha chết" cho tín hiệu âm thanh
Ratio 1:1 – Compressor “tha chết” cho tín hiệu âm thanh
Chắc hẳn bạn đang thắc mắc Ratio như thế nào được coi là nhẹ, vừa và mạnh? Theo kinh nghiệm của bản thân tôi, 2:1 là tỉ lệ nén nhẹ nhàng. Từ 3:1 đến 4:1 là tỉ lệ nén vừa phải. 5:1 đến 8:1 là tỉ lệ nén mạnh.
Ratio 2:1 - Tỉ lệ nén nhẹ
Ratio 2:1 – Tỉ lệ nén nhẹ
Ratio 4:1 - Tỉ lệ nén vừa phải
Ratio 4:1 – Tỉ lệ nén vừa phải

Từ 10:1 trở lên tới ∞:1 (∞ là dương vô cực), Compressor được coi như 1 limiter. Tại ratio ∞:1, Compressor sẽ trở thành BrickWall Limiter và không cho tín hiệu vượt quá Threshold nữa.
Ratio ∞:1 - Hãy xem Compressor "gọt" âm thanh dã man như thế nào!
Ratio ∞:1 – Hãy xem Compressor “gọt” âm thanh dã man như thế nào!
Lưu ý của MIX: Với Compressor có cả chế độ Expander như Waves C1, “n” dương là chế độ Compressor, “n” âm là chế độ Expander.
Hãy nghe ví dụ sau với lần lượt âm thanh gốc, ratio 1,5:1, 3:1, 6:1 và ∞:1

Attack

Attack là khoảng thời gian Compressor cần để chuyển tín hiệu từ dạng bình thường thành dạng nén hoàn toàn sau khi tín hiệu vượt quá Threshold.
Attack Time: Rất khó nghe ra nếu bạn chưa có kinh nghiệm
Attack Time: Rất khó nghe ra nếu bạn chưa có kinh nghiệm
Bạn hãy để ý, Compressor không giảm bụp 1 phát cường độ tín hiệu theo đường thẳng đứng mà nó giảm dần theo thời gian cho tới khi bị nén hoàn toàn như trên hình. Điều này giúp âm thanh tạo ra tự nhiên hơn.
Một số Compressor chỉ cho phép bạn lựa chọn giữa Fast Attack và Slow Attack. Tùy nhà sản xuất và Model, fast attack thường rơi vào khoảng 20-1000 micro giây (1 micro giây bằng 1/1.000.000 giây). Slow Attack thường dao động từ 20-50 mili giây.
Nghe ví dụ sau với âm thanh gốc, attack nhanh và attack chậm:
Attack nhanh (dưới 10ms) sẽ làm giảm “công lực” của âm thanh và ngược lại. Ví dụ: Bạn xử lý âm thanh tiếng đấm vào tường với attack nhanh, tiếng đấm này nghe sẽ “yếu sinh lý” hơn, mềm hơn. Nếu bạn dùng attack chậm, tiếng đấm nghe có vẻ mạnh hơn, uy lực hơn. Đủ dễ hiểu chưa nhỉ?

Release

Ngược lại với Attack, Release là khoảng thời gian Compressor cần để chuyển tín hiệu từ dạng nén hoàn toàn thành dạng bình thường (không bị nén). Release thường chậm hơn attack khá nhiều từ 50-80ms cho tới 2-4 giây!
Release Time - Cần căn để phù hợp với nguồn âm thanh và tiết tấu của nhạc
Release Time – Cần căn để phù hợp với nguồn âm thanh và tiết tấu của nhạc
Khi thao tác với Compressor, các kỹ sư âm thanh thường để Release time ngắn nhất có thể trước khi nghe thấy âm thanh trở nên thiếu tự nhiên, khó chịu (trừ khi đó là điều họ muốn).
Release quá ngắn sẽ khiến âm lượng của nhạc cụ dao động 1 cách có chu kỳ (pumping effect). Điều này gây ra bởi những lần Compressor chuyển qua lại giữa 2 trạng thái kích hoạt và dừng kích hoạt. Nếu không dùng phù hợp, pumping effect sẽ khiến người nghe cảm thấy rất khó chịu.
Hãy tưởng tượng, khi tín hiệu vượt quá threshold, compressor bắt đầu xử lý bằng cách giảm volume tín hiệu. Sau khi hết thời gian release, volume đã được trả về bình thường. Tuy nhiên, cường độ tín hiệu gốc vẫn duy trì ở mức cao hơn threshold. Compressor lại ngay lập tức kích hoạt. Chu kỳ đó cứ lặp đi lặp lại liên tục tới khi cường độ tín hiệu trở về dưới threshold.
Với người mới tập mix nhạc mà phải giao sản phẩm cho khách, tôi khuyên các bạn nên dùng các compressor có chức năng Auto Release như LA-2A, compressor mặc định của Cubase, Fabfilter Pro-C cho an toàn.
Nghe ví dụ sau với lần lượt là âm thanh gốc, release quá nhanh và release chậm vừa phải:

Knee

Tra từ điển, Knee là… đầu gối. Sh!t!
Khi tiếp xúc với Compressor nhiều, bạn sẽ gặp không ít lần tham số… trừu tượng này. Hiểu 1 cách nôm na, Knee giúp bạn điều chỉnh độ mượt màtự nhiên khi compressor biến đổi tín hiệu âm thanh từ trạng thái bình thường (không nén / uncompressed) sang trạng thái bị nén (compressed).
Compressor Hard Knee khiến âm thanh bị biến đổi mạnh hơn, đột ngột hơn Soft Knee
Compressor Hard Knee khiến âm thanh bị biến đổi mạnh hơn, đột ngột hơn Soft Knee
Có 3 loại Knee phổ biến: Hard Knee, Medium Knee, SoftKnee. Ở chế độ Soft Knee, âm thanh chuyển từ trạng thái thường sang bị nén 1 cách nhẹ nhàng, từ từ hơn rất nhiều so với Hard Knee. Medium Knee là mức nằm giữa.
Tự dưng nhìn cái đường kẻ Hard Knee thấy cũng giống đầu gối thật :|

Make-up Gain

Nút Make-up Gain (cách viết khác là Output Gain) cho phép bạn tăng cường độ của tín hiệu âm thanh bị nén bởi Compressor.
Đại đa số Compressor cho bạn biết số dB bị cắt đi bởi Compressor là bao nhiêu qua công cụ đo cường độ tín hiệu tên là Gain Reduction (viết tắt là GR). Nhờ đó, bạn dễ dàng bù trừ lại chính xác “những gì đã mất”.
Auto Make-up Gain được bật trên compressor Fabfilter Pro-C
Auto Make-up Gain được bật trên compressor Fabfilter Pro-C
Một số Compressor có nút Auto Make-up. Trong khi căn chỉnh Compression, tôi khuyên bạn không nên sử dụng vì dễ lầm tưởng rằng mình đang làm cho âm thanh hay hơn.
Lời khuyên của MIX: Hãy theo dõi sát sao giá trị của Gain Reduction trong suốt quá trình sử dụng Compressor. Thông thường, nếu Gain Reduction vượt quá 5dB, bạn đã quá tay.

Các loại Compressor phổ biến

Cùng các thông số, điều khiển ở trên, tuy nhiên, với các loại compressor khác nhau, cách thức chúng tác động lên âm thanh cũng khác nhau. Việc lựa chọn loại Compressor quan trọng không kém việc tinh chỉnh các thông số Compressor. Tuy nhiên, sự khác biệt về âm thanh không quá lớn nên những bạn mới vào khó nhận biết được.

FET Compression

Field Effect Compressors sử dụng bóng bán dẫn để giả lập âm thanh được xử lý qua bóng đèn điện tử. Ưu điểm của FET Compressor là độ tin cậy, chính xác cao, phản ứng nhạy với âm thanh, âm thanh sạch hơn và ít “nhuộm màu” âm thanh.
UREI 1176 là 1 FET Compressor tạo ra thứ âm thanh "ma thuật" đằng sau rất nhiều bản hit
UREI 1176 là 1 FET Compressor tạo ra thứ âm thanh “ma thuật” đằng sau rất nhiều bản hit
Khi compress Vocal hay Drums, hãy thử 1 vài FET Compressor sau đó chuyển sang các loại compressor khác. Bạn sẽ thấy sự khác biệt.

VCA Compression

Voltage Controlled Amplifier compressor sử dụng mạch điện tích hợp. Ưu điểm của VCA Compressor là độ chính xác rất rất cao.
Alta Moda UniComp - VCA Compressor cao cấp
Alta Moda UniComp – VCA Compressor cao cấp
Tín hiệu đi qua VCA Compressor hầu như giữ nguyên bản chất âm và ít bị méo hơn so với các loại Compressor khác. Bởi vậy, VCA Compressor phù hợp với rất nhiều nguồn âm thanh, tình huống sử dụng.

Tube/Valve Compression

Điểm khác biệt lớn nhất giữa Tube/Valve Compressor với VCA Compressor, FET Compressor là thời gian attack và release chậm hơn. Do đặc điểm của bóng đèn điện tử, âm thanh đi qua sẽ ít nhiều bị “nhuộm màu”, trở nên ấm áp, dày dạn hơn.
Tube-Tech CL1B là Tube Compressor sử dụng thiết kế tương tự compressor huyền thoại LA-2A của Teletronix
Tube-Tech CL1B là Tube Compressor sử dụng thiết kế tương tự compressor huyền thoại LA-2A của Teletronix
Hãy thử Valve Compressor với Vocal, bạn sẽ thấy điều “kỳ diệu” xảy ra.

Optical/Opto Compression

Optical/Opto Compressor sử dụng mạch điện cảm ứng ánh sáng để điều khiển cường độ nén âm thanh. Khi cường độ tín hiệu âm thanh cao, ánh sáng phát ra mạnh hơn bao hiệu cho tế bào quang học (Optical Cell) giảm cường độ tín hiệu âm thanh mạnh hơn. Thiết kế này khiến Opto Compressor kém nhạy hơn so với các loại Compressor khác. Tuy nhiên, âm thanh nó tạo ra rất tự nhiên và ấm áp.
Tube-Tech SMC-2B Opto Compressor
Tube-Tech SMC-2B Opto Compressor

Chào mừng bạn đến với vùng đất của những người bị ám ảnh bởi Compression

Sau khi hiểu hết cơ chế làm việc, ứng dụng của Compression, bạn đã sẵn sàng đổ hàng trăm giờ luyện tập để làm chủ được Compressor chưa? Tôi báo trước là càng tập bạn sẽ càng nghiện. Đỉnh cao của sự nghiện ngập này là “dí” compressor vào mọi nguồn âm thanh có thể! :|
Điểm nguy hiểm của Compressor chính là sự khác biệt khó nhận ra ngay giữa âm thanh gốc và âm thanh đã xử lý nếu đôi tai bạn chưa được rèn luyện.
Để tránh cho bạn phải tốn quá nhiều thời gian luyện tập một cách vô tội vạ, tôi sẽ hướng dẫn cách thiết lập, căn chỉnh Compressor trong 1 bài viết khác.
Theo tapchimix.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Quảng cáo Google

phong thu ha noi