Trang

Phong Thu Ha Noi - Mstudio

Ca sỹ chuyên nghiệp


Yêu âm nhạc


Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

Reverb 101: Thiết kế Không gian – Thông số phòng (P4)

Reverb 101: Thiết kế Không gian – Thông số phòng (P4)

Bạn đã hiểu và điều khiển được các thông số về thời gian của Reverb qua Phần 3 của loạt bài Reverb cơ bản.
Tuy nhiên, nếu chỉ áp dụng các thông số đó, bạn mới chỉ dừng lại ở việc làm người nghe ngờ ngợ về độ lớn của căn phòng mà thôi.
Để giúp họ hình dung ra cụ thể hơn về nội dung và tính chất không gian căn phòng, bạn phải tìm hiểu thêm một loạt thông số cơ bản khác… khó hiểu hơn, trừu tượng hơn.

Các thông số Không gian phòng

Các thông số không gian phòng liên quan tới hình dáng (ở 1 số thiết bị Reverb), kích cỡ, đồ vật bên trong căn phòng. Những yếu tố này không chỉ ảnh hưởng tới Decay mà còn ảnh hưởng tới tất cả các âm thanh phản xạ trong phòng từ khi reverb bắt đầu đến khi kết thúc.
Vật chất bên trong phòng tác động mạnh tới Reverb
Vật chất bên trong phòng tác động mạnh tới Reverb
Khi bạn kiểm tra âm thanh (soundcheck) cho 1 Liveshow tại hội trường lớn, tiếng guitar nghe nhày nhụa, không rõ ràng vì một đống âm thanh phản xạ từ các bức tường, sàn. Nhưng đến tối, khán giả bu kín. Bạn sẽ thấy tiếng guitar khô và rõ ràng hơn rất nhiều.
Cùng 1 căn phòng, sự có mặt của khán giả có 2 tác dụng:
  1. Hấp thụ các tần số âm thanh (tương tự Damping) dẫn đến Decay giảm
  2. Làm yếu phản dội đầu từ sàn
Bằng cách tinh chỉnh các thông số không gian phòng, bạn sẽ tạo được ra không gian với các tính chất âm học như ý muốn.

Room Size/Type – Cỡ/Loại phòng

Cỡ/loại phòng thường ảnh hưởng tới độ lớn của Reverb.
Tuy nhiên, nó không liên quan tới Decay (độ dài của Reverb) như nhiều người vẫn lầm tưởng! 1 hội trường cỡ vừa và 1 siêu thị mini có diện tích, thể tích như nhau nhưng Decay có thể khác nhau hoàn toàn.
Reverb - Thông số RoomSize có ảnh hưởng cực lớn lên chất âm Reverb
Reverb – Thông số RoomSize có ảnh hưởng cực lớn lên chất âm Reverb
Thực tế, cảm giác về độ lớn của căn phòng phụ thuộc rất nhiều vào cấu trúc của Early Reflections.
Về mặt thời gian và cường độ, nếu Early Reflections xuất hiện sớm và yếu, chúng ta có cảm giác căn phòng nhỏ. Nếu nó xuất hiện chậm hơn và mạnh hơn, chúng ta có cảm giác căn phòng lớn.
Về mặt chất âm, 1 cái tủ quần áo cho Early Reflections nghe bí và chắc; trong khi một cái rạp xiếc cho Early Reflection nghe mở và rộng, thoáng hơn.
Thêm nữa, sự khuếch tán của Reverb cũng phụ thuộc vào cỡ phòng. Phòng càng nhỏ, Reverb tạo ra càng nhanh (đọc các phần trên để hiểu nguyên lý).
Việc thay đổi thông số Room Size/Type có ảnh hưởng cùng 1 lúc tới thời gian, cường độ, chất âm (hoặc âm sắc) của Early Reflections và tốc độ khuếch tán Reverb. Tuy nhiên, chỉ có các thiết bị Reverb cao cấp mới đảm bảo được cả 4 yếu tố này.
Hãy nghe ví dụ sau với nửa đầu Room Size 25m, nửa sau 60m; tất cả các thông số khác giữ nguyên.
00:00
00:00

Diffusion – Độ tán xạ âm thanh

Trăm nghe không bằng một thấy. Bạn hãy xem hình minh họa trước khi đọc tiếp:
Diffusion phụ thuộc vào hình dạng và vật liệu phản xạ
Diffusion phụ thuộc vào hình dạng và vật liệu phản xạ
Bạn nhìn thấy gì? Sóng âm khi va vào bề mặt nhẵn phản xạ lại khá nguyên vẹn. Tuy nhiên, nếu bề mặt thô ráp, gồ ghề, nó bị phân rã (tán xạ) thành rất nhiều các sóng âm phản xạ khác và suy yếu. Đó chính là sự tán xạ. Hiện tượng này tương tự như hiện tượng tán xạ ánh sáng chúng ta học trong môn Vật Lý.
Không chỉ có bề mặt phản xạ mà chất liệu của bề mặt phản xạ cũng ảnh hưởng tới sự tán xạ âm thanh. Bề mặt vật liệu phản xạ âm thanh càng cứng, càng rộng, âm phản xạ càng cứng và giống với âm thanh gốc. Ngược lại, bề mặt vật liệu phản xạ âm thanh càng mềm, càng gồ ghề thì càng có nhiều góc cạnh, vì thế, nó càng phân rã và càng làm suy yếu âm thanh gốc hơn; kết quả là Reverb tạo ra ít giống âm thanh gốc hơn.
Trong 1 căn phòng, càng nhiều đồ vật thì sự tán xạ càng phức tạp và bạn càng khó nghe thấy các âm thanh phản xạ đơn lẻ hơn.
Thông số Diffusion giúp bạn điều khiển mức độ tán xạ của âm thanh. Diffusion thấp, Early Reflections nghe rõ hơn. Diffusion cao, hầu như không nghe thấy Early Reflections do nó nhòe đi vào tổng thể Reverb.
Mẹo của MIX: Muốn không gian hiện ra rõ ràng hơn, giảm Diffusion!
Nghe ví dụ sau với nửa đầu Diffusion 14%, nửa sau 87% (Room Mode: Plate). Tôi sử dụng Plate vì ở chế độ Plate, Early Reflections nhiều hơn, phù hợp với mục đích minh họa.
00:00
00:00

Density – Mật độ

Nói 1 cách “hàn lâm”, thông số Density cho bạn biết có bao nhiêu âm thanh phản xạ tạo ra trong 1 giây.
Nói một cách bình dân, bạn có thể điều chỉnh Density để Reverb “đậm đặc” hay “loãng” tùy ý.
Mật độ cực thấp, thấp và cao của các đợt phản xạ âm thanh
Mật độ cực thấp, thấp và cao của các đợt phản xạ âm thanh
Mật độ âm thanh phản xạ (reflection) càng dày, thì sau khi gặp các bề mặt phản xạ, chúng càng dội lại nhiều hơn. Tất cả hòa trộn với nhau khiến Reverb nghe dày hơn, mạnh hơn. Còn với mật độ thấp, Reverb lại mỏng hơn, nhẹ nhàng hơn.
Chúng ta cần hiểu rõ thông số này để thiết kế những không gian cho ra Reverb còn “tốt” hơn cả không gian tự nhiên! Khái niệm “tốt” ở đây chính là sự phù hợp. Đối với một bản mix phức tạp với nhiều nguồn âm thanh khác nhau, mật độ Reverb cao sẽ át các âm thanh khác, làm thay đổi chất âm nhạc cụ và khiến nhạc cụ đó bị bật ra khỏi không gian chung.
Bạn có nhìn thấy quy luật đơn giản?
Bản MIX phức tạp, hạ Density. Bản MIX ít nguồn âm thanh, bạn được phép đẩy cao Density (hết sức cẩn trọng) để làm dày Reverb. Tuy nhiên, quy luật chỉ là quy luật, phá thoải mái nếu thích.

Phân biệt DensityDiffusion như thế nào?

Diffusion tác động đến quá trình hình thành Early Reflections. Density ảnh hưởng đến toàn bộ Reverb thực (True Reverb hay diffuse reverberation).
Diffusion thay đổi theo thời gian. Nếu Diffusion thấp, bạn có thể phân biệt được vài phản dội (reflections) âm thanh lúc đầu (Early Reflections), nhưng sau đó bạn sẽ chỉ còn nghe thấy khối âm thanh Reverb đồng nhất mà thôi.
Nếu Density thấp, bạn sẽ phân biệt được các âm thanh phản xạ đơn lẻ trong suốt quá trình Reverb diễn ra.
Hãy nghe ví dụ sau với nửa đầu Density bằng 0, nửa sau Density 79. Nhớ để ý Snare Drum.
00:00
00:00

Echo – Vọng

Bạn có nhớ ví dụ hét trong hang đá? Sau khi hét to “A!” bạn nghe thấy những tiếng A nhỏ hơn dội lại. Ban đầu có 1 tiếng A, về sau có thêm 1 hoặc 2 tiếng A nữa và bé dần. Những tiếng vọng này cũng chính là Echo.
Không chỉ ở hang đá hay vách núi, Echo vẫn có thể thấy trong các căn phòng thông thường có 2 tường đối diện song song. Âm thanh phản xạ từ tường này sang tường kia như 1 quả bóng bàn và ngược lại. Nếu mặt sàn cứng và ít đồ vật bên trong, bạn có thể nghe rõ Echo khi vỗ tay giữa 2 bức tường. Thời gian Echo rất ngắn, lặp lại nhiều. Người ta gọi đó là Flutter Echo.
Nghe ví dụ sau:
00:00
00:00

Bạn có thể thấy âm thanh của Flutter Echo nghe hơi giống Spring Reverb, lặp đi lặp lại nhiều, nhanh. Nếu thời gian Echo dưới 200 mili giây, bạn sẽ tái tạo được Flutter Echo.
Tiếng Echo dài hơn hơn được tạo ra bởi các sóng âm phản xạ tăng cường quay trở về vị trí nguồn phát sau khi đã va đập vào nhiều bề mặt phản xạ khác. Nếu bạn từng chơi trò PinBall, sóng âm sẽ là hòn bi. Khi bạn dùng 2 chiếc cần nhỏ (đóng vai trò là nguồn âm) ở dưới đẩy hòn bi lên. Hòn bi đập vào các vật cản (bề mặt phản âm) để rồi rơi về chỗ 2 chiếc cần cũ chứ không ngay 1 phát quay về luôn.
Ở các không gian lớn và mở hơn, như trước 1 ngọn núi đá, hiệu ứng Echo cũng có thể xuất hiện khi Early Reflections (phản dội đầu) nối tiếp nhau thành từng đợt giúp bạn có thể phân biệt từng tiếng vọng riêng  rẽ.
Vậy hiển nhiên, Echo cũng có thể tạo ra cảm giác về độ lớn của không gian và làm Reverb trở nên sống động hơn. Tuy nhiên, khi set Echo Size lớn, bạn cần kéo dài Decay tương ứng để nghe được hiệu ứng.
Hãy nghe ví dụ dưới đây với nửa đầu Echo 12%, nửa sau 73%.
00:00
00:00

Các thông số khác

Modulation

Reverb tạo ra trong môi trường có không khí. Vì vậy, sự biến đổi tính chất của không khí liên quan tới áp suất, độ ẩm, nhiệt độ có thể làm thay đổi nhẹ tần số của Reverb tự nhiên. Hiện tượng này góp phần nhuộm màu chất âm của Reverb, khiến nó càng khác xa so với âm thanh gốc.
Nhiệt độ ảnh hưởng tới áp suất không khí, dẫn tới Reverb thay đổi chất âm
Nhiệt độ ảnh hưởng tới áp suất không khí, dẫn tới Reverb thay đổi chất âm
Bằng cách sử dụng Modulation, bạn có thể điều chỉnh độ biến đổi tần số (hoặc cao độ) Reverb qua các thông số phụ như biên độ dao động cao độ, tốc độ biến đổi.
Kết quả, chúng ta có âm thanh Reverb mềm hơn, đồng nhất hơn, chiều tai hơn. Hơn nữa, chính điều này làm gia tăng sự khác biệt trong chất âm của Reverb so với âm thanh nguồn ban đầu. Vì vậy, phần đuôi Reverb có thể dễ dàng nghe thấy hơn, nổi hơn mà không cần tăng âm lượng Reverb.
Khi sử dụng 1 chút ít (thường là dưới 10%), Modulation tác động vào âm thanh Reverb 1 cách tự nhiên. Cao hơn 10%, nó chuyển đổi vai trò thành 1 loại hiệu ứng âm thanh thú vị có khả năng ứng dụng trong nhiều trường hợp (đặc biệt là khi thiết kế các không gian hư ảo trong Sound Design).
Lưu ý của MIX: Hết sức thận trọng đối với các nhạc cụ mộc như Violin, Guitar, Piano vì Modulation trên Reverb có thể khiến nhạc cụ nghe như bị sai dây! Với các bản thu âm cần tôn trọng tối đa tính tự nhiên (ví dụ: nhạc cổ điển) của Reverb, 0-10% Modulation là khoảng giá trị bạn nên sử dụng.
Trong ví dụ dưới đây, nửa đầu không có Modulation, nửa sau Modulation 10%.
00:00
00:00

Equalizer (EQ)

Đây là công cụ tôi không bao giờ bỏ quên khi sử dụng Reverb để loại bỏ những tần số có thể gây đục bản mix, làm thay đổi chất âm của âm thanh gốc 1 cách tiêu cực.
Full EQ trong Reverb cao cấp WizooVerbW2
Full EQ trong Reverb cao cấp WizooVerbW2
Đa số các thiết bị Reverb chỉ cung cấp chức năng EQ cơ bản để lọc bỏ đi âm trầm (LowCut Filter) và âm cao (HiCut Filter). Các thiết bị/plugin Reverb cao cấp sẽ “tặng” không cho bạn 1 EQ đầy đủ chức năng như Waves IR1, WizooVerbW2 …
Với đoạn Drums này, khi chèn Reverb lên toàn bộ Drums Kit, âm trầm do Reverb tạo ra làm mờ Kick Drum. Tôi dùng LowCut Filter để loại bỏ các tần số thấp dưới 256 Hz trong Reverb. Hãy để ý sự thay đổi trong Kick Drum: Chắc hơn, có cảm giác Kick Drum ở gần chúng ta hơn so với toàn bộ Drums Kit. Dù vậy, Drums Kit vẫn có không gian riêng.
00:00
00:00

Bạn đã thấy tự tin hơn khi sử dụng Reverb chưa?

Hẳn là rồi chứ nhỉ? Hiểu rõ thứ mình đang dùng sẽ giúp bạn điều khiển, kiểm soát nó như ý muốn mà không phải phụ thuộc hoàn toàn vào Preset – vốn không bao giờ phù hợp 100% với bản mix của bạn dù có hay đến mấy!
Kết thúc 4 phần trong Series Reverb cơ bản, nếu bạn chỉ muốn nhớ 1 điều duy nhất. Thì đây là lời khuyên của MIX:
Hãy nhớ vai trò cốt lõi nhất của Reverb trong Mixing là kết nối các nguồn âm thanh (nhạc cụ, giọng hát…) và đặt chúng trong một không gian thống nhất! Đó sẽ là kim chỉ nam cho chúng ta trong quá trình mix nhạc.
Không giống như Compression, Reverb là hiệu ứng âm thanh rất dễ nhận biết và được áp dụng với 90% nhạc cụ trong bản mix. Bởi vậy, nó càng nguy hiểm nếu dùng sai. Các bạn có lời khuyên nào dành cho những người mới vào về cách sử dụng, tinh chỉnh thông số Reverb không?

theo tapchimix.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Quảng cáo Google

phong thu ha noi